GIÀ THÌ CÓ SAO? – Hình ảnh người già trong Hospital Playlist và hình ảnh người già thường được khắc họa trên truyền thông

Share

Hospital Playlist (Chuyện đời bác sĩ) là series phim truyền hình rất ăn khách của Hàn Quốc và được nhiều khán giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt trong thời gian vừa qua. Khác với những bộ phim truyền hình nhiều tập khác, Hospital Playlist giữ chân khán giả không phải bằng những tình tiết xoắn não, những plot twist giật gân mà phần lớn là nhờ “vibe” chữa lành hiếm có khó tìm so với các bộ phim khác. Từng tập phim thật sự như một bài hát trong một playlist nhạc, tập trung khai thác về nhiều khía cạnh trong cuộc sống làm nghề của các bác sĩ.

Là một bộ phim slice-of-life (lát cắt cuộc sống), Hospital Playlist đã đưa người xem qua câu chuyện rất đời của các bệnh nhân cũng như những thông điệp chưa chắc đã mới, nhưng lại hiếm khi được khắc họa chân thực đến vậy về tình cảm gia đình, tình đồng nghiệp và về một chủ đề thường xuyên xuất hiện khá “một chiều” trên truyền thông – người già.

Hãy cùng Goodvertisings nhìn xem hình ảnh người già trong Hospital Playlist đã được khắc họa khác biệt như thế nào nhé.

Người già cũng có thể sống cuộc đời cho riêng mình

Trong quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo có nội dung Tết đoàn viên, người già thường được khắc họa trong tư thế luôn “ngóng chờ” con cháu, tựa như nguồn vui duy nhất của người già là con cháu, là gia đình.

Trong Hospital Playlist, song song với bộ 5 nhân vật chính, hai nhân vật lớn tuổi được khắc họa xuyên suốt bộ phim là mẹ Rosa (mẹ của bác sĩ khoa nhi Ahn Jeong Won) và Giám đốc bệnh viện – một người bạn lâu năm của bà. Tuy đã trải qua nhiều thăng trầm được mô tả ngắn gọn trong những tập phim trước đó, đôi khi cũng có những lo âu về những cơn đau nhức mỏi tuổi già, nhưng phần lớn thời gian hai ông bà xuất hiện trong những phân cảnh rất đời thường với những niềm vui nhỏ trong cuộc sống: cùng nhau nấu ăn, làm vườn, đi chợ, đi dạo, chơi ma sói với hội bạn và thậm chí cũng bông đùa vui vẻ không kém những đứa con của họ.

Kể cả khi đã già, những người lớn tuổi vẫn có thể sống cho riêng mình, không nhất thiết phải vì con cái mà quên đi bản thân vẫn còn phần đời phía trước. Trong một cuộc trò chuyện giữa hai bà mẹ của các bác sĩ, một bà mẹ đã nói rằng ước nguyện cuối cùng của bà là nhìn thấy con trai có thể tái hôn và có gia đình hạnh phúc. Tất nhiên, nguyện ước này không hề sai và mong ước của mỗi người đều có thể khác nhau và là bất cứ điều gì. Tuy nhiên, bộ phim đã cho chúng ta thêm một góc nhìn nữa về ước nguyện của cha mẹ qua lời nhân vật mẹ Rosa – “tại sao ước nguyện cuối cùng của cô lại phải lôi con cái vào, đã là ước nguyện của cô thì hãy ước cho cô và cuộc đời cô thôi.”

Tâm thế khi đối diện với bệnh tật

Trên truyền thông, người già thường được khắc họa với những nỗi lo thường trực về bệnh tật, về xương khớp nhức mỏi, về các cơn đau toàn thân. Theo một khảo sát của AARP (American Association of Retired Person) đăng tải trên WARC Database, nhiều người tiêu thụ truyền thông đồng tình rằng người già đang được khắc họa trên truyền thông theo một cách rất “ageist” (tạm dịch: không công bằng, kỳ thị vì lý do tuổi tác ) với các định kiến cũ kỹ về sức khỏe, lối sống. Tất nhiên, việc sức khỏe của những người lớn tuổi trở nên kém hơn, không còn được như xưa là một tiến trình không thể tránh khỏi. Nhưng chính việc thường xuyên miêu tả người già song hành cùng bệnh tật, dù nặng hay nhẹ trên quảng cáo, cũng đã khiến họ bị đóng khung, không có cơ hội thể hiện những khía cạnh đa dạng khác.

Trong tập 8 phần 2 của bộ phim Hospital Playlist, một bệnh nhân lớn tuổi với căn bệnh khiến ông hít thở vô cùng khó khăn và đối với căn bệnh này, thường phải phẫu thuật mới có thể có tiến triển tích cực. Tuy nhiên, ở độ tuổi này của ông, về mặt y học mà nói, khả năng chữa khỏi hoàn toàn cũng không cao. Thường người ta hay cho rằng, lớn tuổi như vậy rồi, cố gắng chữa chạy làm gì, tốn thời gian, tiền bạc và công sức của con cái. Thế nhưng, ngược lại với những ý nghĩ đi theo lối mòn đó, người bệnh nhân già vẫn quyết định phẫu thuật vì “Dù chỉ sống thêm được một ngày, tôi cũng muốn sống cho ra hồn như mọi người”. Sau đó ông còn lan tỏa tinh thần tích cực này của mình đến những bệnh nhân lớn tuổi khác.

Không bao giờ quá muộn để làm bất kỳ điều gì

Một quan điểm phổ biến, cũng là nỗi sợ “dai dẳng” bám lấy nhiều người già đó là họ không còn nhiều thời gian để “sống”, họ đã ở nơi “gần đất xa trời”. Vì vậy, muốn bắt đầu làm bất kỳ một điều gì mới đều đã muộn.

Trong phim, nhân vật mẹ Rosa vốn đã luôn muốn chơi organ từ hồi còn trẻ nhưng sau này khi nhiều tuổi hơn, bà đã phải dừng đam mê đó lại. Khi được bạn bà gợi ý để bắt đầu lại sở thích này, phản ứng đầu tiên của bà cũng tương tự như định kiến nói trên, “Tôi già quá rồi. Người khác sẽ nói ra nói vào…Người ta sẽ dị nghị”. Ấy thế mà, sau khi phải nhập viện và trò chuyện với con trai, bà đã suy nghĩ lại, đã chọn “sống vì mình” hơn và thậm chí còn rất xúc động khi chơi organ cùng ban nhạc của các con. Cảnh phim chỉ dừng lại ở đó, thế nhưng người xem đều có thể ngầm hiểu rằng, từ giờ, bà Rosa sẽ quay lại với đam mê hồi trẻ của mình.

Chúng ta, ai cũng có quyền được theo đuổi đam mê, sở thích (hợp pháp) và làm bất kỳ điều gì đem lại cho mình niềm vui và hạnh phúc. Nếu vẫn còn khả năng và điều kiện, chẳng phải sẽ thật là đáng tiếc nếu chúng ta, và cả những người thân của chúng ta, chỉ vì mặc cảm tuổi tác mà mãi mãi “không dám” làm một điều gì đó hay sao?

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Bài đăng cùng chủ đề

Please select listing to show.