DIZZcuss #2: VẬY RỐT CUỘC, QUẢNG CÁO NỮ QUYỀN CÓ THỰC SỰ TRAO QUYỀN CHO PHỤ NỮ

Share

“Tất cả những gì chúng ta thấy đều thông qua khuôn mẫu, khuôn mẫu của bạn, khuôn mẫu của tôi. Điều quan trọng không phải là ai đúng ai sai, mà là cùng nhau lắng nghe để chung sống với muôn vàn quan điểm của người khác.” Trên tinh thần này, hãy cùng điểm lại các quan điểm thú vị của chuyên gia Quảng cáo Leo Phan, chuyên gia Giới Lan Võ và các bạn thính giả về Femvertisings đã được nêu ra trong số “DIZZcuss #2: Trao quyền hay chiêu trò”.

“Femvertising” (feminism & advertising) là những chiến dịch quảng sử dụng thông điệp, hình ảnh ủng hộ nữ quyền, nhắm vào quyền bình đẳng, nâng cao nhận thức về giá trị bản thân của người phụ nữ, qua đó thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Thế nhưng, các nhãn hàng thực hiện femvertisings có thực sự quan tâm đến trao quyền cho phụ nữ? Hay tất cả chỉ là “chiêu trò” thu hút khách hàng để “bán” được nhiều hàng hơn? Trả lời cho câu hỏi này, mỗi Goodverman (người đấu tranh cho quảng cáo tốt – theo định nghĩa của chúng mình) lại có một quan điểm khác nhau để nhìn nhận.

Bạn có thể nghe lại DIZZcuss #2: “Femvertising (Quảng cáo nữ quyền) – Trao quyền hay chiêu trò?” tại: https://open.spotify.com/episode/0oj2uv6iVAH1eE3a6CaWD1…

“GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ XÃ HỘI KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC CỦA QUẢNG CÁO” – Anh Leo Phan

Quảng cáo chỉ đơn giản là phản ánh thực tế đời sống, không thể ra ngoài quỹ đạo của cuộc sống. Các khuôn mẫu trong đời sống thường chia con người ra làm hai phái: “phái mạnh” gắn liền với việc tiêu dùng những sản phẩm như tài chính, bảo hiểm, thể thao…, còn “phái yếu” gắn liền với các ngành dịch vụ. Vì mặt bằng chung ở Việt Nam, phụ nữ vẫn bị lép vế trong xã hội nên quảng cáo Kotex, Diana hay câu chuyện phi thường của Tóc Tiên đang cố gắng làm nổi bật lên vai trò của phụ nữ, điều này là rất tuyệt vời và tất nhiên không có gì sai cả.

Quảng cáo không hề cố tình tạo ra khuôn mẫu, mà chỉ đi tìm, lựa chọn và phản ánh những câu chuyện ngoài xã hội để tìm mọi cách chạm đến insight của khán giả. Các khuôn mẫu không tự nhiên mà có, ngược lại, đều được rút ra từ khối lượng data lớn, dựa trên những nghiên cứu kỹ càng về insight.

Quảng cáo chỉ đang làm đúng nhiệm vụ của nó, và đã là quảng cáo thực hiện bởi nhãn hàng thì phải phục vụ các mục tiêu của nhãn hàng. Nhãn hàng không thực dụng đến thế, không phải lúc nào cũng muốn “chiêu trò”, nhưng quảng cáo luôn phải tách bạch được các mục tiêu, bao gồm: mục tiêu truyền thông (triết lý của thương hiệu cho đề tài đó), mục tiêu marketing và cuối cùng là mục tiêu bán hàng (sales).

Bản chất vấn đề là ở chỗ giải quyết vấn đề xã hội không phải là việc của quảng cáo. Việc của quảng cáo là để thúc đẩy khách hàng mua hàng nhiều hơn.

Anh Leo Phan

“NHÃN HÀNG CÓ QUYỀN NĂNG THAY ĐỔI XÃ HỘI NHƯNG HỌ KHÔNG MUỐN LÀM ĐẾN CÙNG” – bạn Linh

Các nhãn hàng khi thực hiện quảng cáo nữ quyền có thể thực sự có ý đồ tốt, ý tưởng tốt cho xã hội, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nhãn hàng thực sự quan tâm. Nhãn hàng chỉ là nhận thấy các vấn đề xã hội này đang nổi trội nên thực hiện quảng cáo về nó, đặc biệt trong hoàn cảnh các thông tin về xã hội có thể được tiếp cận chỉ bằng một cách click chuột trên mạng xã hội. “Nữ quyền” cũng biến thành một món hàng hóa, nhãn hàng có Serena William làm gương mặt đại diện, không có nghĩa họ thực sự quan tâm đến phụ nữ. Mọi campaign quảng cáo đều quy về lợi nhuận và nhận diện thương hiệu, nên trở nên nửa vời.

Hơn thế, quảng cáo đúng là tấm gương phản chiếu cuộc sống, nhưng quảng cáo cũng góp phần ảnh hưởng lại tư tưởng của chúng ta khi lựa chọn phản ánh điều gì và bỏ qua điều gì. Kể cả những bức ảnh – được coi là thứ ghi lại hiện thực, trên quảng cáo cũng phải qua chỉnh sửa, photoshop.

Suy cho cùng, femvertising cũng chỉ là một công cụ ngắn hạn, chứ không phải hướng đến mục tiêu thay đổi xã hội. Các nhà quảng cáo có “quyền năng” đấy, nhưng họ dường như chưa nhận ra, hoặc không muốn nhận ra để đấu tranh đến cùng.

Chị Hoàng Thanh Bình

“QUẢNG CÁO NỮ QUYỀN – Ý ĐỒ TỐT NHƯNG LÀ CHƯA ĐỦ” – chị Lan Võ

“Các nhà quảng cáo đang ngộ nhận: bình đẳng là phải khắc họa phụ nữ theo kiểu khác biệt trong khi không phải lúc nào đi ngược lại khuôn mẫu cũng là một cách hay” (bạn Lê Việt).

Femvertisings hiện nay đang dựa quá nhiều vào “girl boss feminism” (phụ nữ lãnh đạo), “feel good feminism” (là con gái thật tuyệt) hay “super women” (siêu phụ nữ), tùy theo hình ảnh nào phù hợp với sản phẩm hơn. Hình ảnh những người phụ nữ khác nhau cần bình đẳng với nhau trên quảng cáo trước, sau đó mới có thể tiếp tục mục tiêu lan tỏa thông điệp trao quyền cho phụ nữ nói chung.

Quảng cáo nữ quyền đang ngày càng phổ biến, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc mang được càng nhiều hình ảnh phụ nữ lên quảng cáo càng tốt. Quảng cáo và media đang thiếu sót rất nhiều sự hiện diện của các bản dạng giới mà không thuộc vào hệ nhị phân giới. Chỉ nói về phụ nữ và đàn ông là chưa đủ. Liệu các xu hướng quảng cáo mới có nên chỉ dừng lại ở phụ nữ hay không? Có cần đề cập đến các cộng đồng khác hay không?

“Là con gái thật tuyệt? Vậy là con trai không tuyệt à? Và là LGBT có tuyệt không? Liệu sắp tới có thể có những trào lưu MENVERTISING hay LGBTVERTISING xuất hiện nữa hay không?”

Bạn Mady

Nhiều quảng cáo thực sự có ý đồ tốt, nhưng nếu thiếu đi sự chân thành, thấu hiểu, thông điệp đưa ra có thể đi sai lệch với thông điệp nữ quyền, thúc đẩy nữ quyền độc hại khi hướng phụ nữ cũng phải làm được mọi thứ giống đàn ông và tiếp tục áp đặt các khuôn mẫu mới với phụ nữ. Hoặc đưa ra những thông điệp không đủ mạnh mẽ, hay đi ngược lại với những gì nhãn hàng đang thể hiện.

Quảng cáo nữ quyền vẫn là một xu hướng nên (và cần) được thực hiện trong tương lai nhưng khách hàng cần tỉnh táo nhận ra, sự quan tâm và trao quyền cho phụ nữ, liệu có phải thật hay không.

————

“DIZZcuss – What the Ads!” là chuỗi audio-talk 4 số nhằm tạo ra thảo luận giữa những người trẻ học và làm về truyền thông, quảng cáo với những chuyên gia Giới, chuyên gia Truyền thông, Marketing, Quảng cáo xoay quanh các vấn đề về giới trong truyền thông.

Chuỗi audio-talk được thực hiện bởi Goodvertisings in Vietnam, hợp tác cùng Advertising Vietnam trên nền tảng OnMic. Bạn có thể nghe lại DIZZcuss #2: “Femvertising (Quảng cáo nữ quyền) – Trao quyền hay chiêu trò?” tại: https://open.spotify.com/episode/0oj2uv6iVAH1eE3a6CaWD1…

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Bài đăng cùng chủ đề

Please select listing to show.