TRUYỀN THÔNG ĐÃ XÂY DỰNG HÌNH ẢNH “BIKINI BODY” NHƯ THẾ NÀO?

Share

Bạn có để ý rằng mỗi khi một bộ phim hay một quảng cáo nào đó chiếu cảnh nữ diễn viên đi lại trên bãi biển, sẽ thường có hai trường hợp xảy ra: Cô ấy luôn chuyển động chậm hoặc cô ấy trông thật thon thả trong bộ bikini. Trường hợp một thì có phần vui nhộn, trong khi trường hợp hai lại có vẻ có hại hơn. Bởi việc đưa ra ý tưởng về “hình thể hấp dẫn duy nhất” là rất nguy hiểm.
“Bikini Body” (tạm dịch: Cơ thể Bikini), là một khái niệm có phần ép buộc phụ nữ vào một khuôn mẫu cụ thể. Mặc dù hình mẫu của một người phụ nữ lý tưởng mà chúng ta thần tượng đã thay đổi theo thời gian, tuy nhiên ý tưởng rằng chỉ có một kiểu hình thể xứng đáng với bikini đã được sử dụng trong báo chí và quảng cáo trong suốt hơn 50 năm qua. Đến thời điểm hiện tại, ngày càng nhiều người bàn luận nghiêm túc về vấn đề này. Tất nhiên, biết địch biết ta – trăm trận trăm thắng, việc hiểu rõ về concept “Bikini body” sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể hơn, từ đó góp phần làm thay đổi cách mà người làm quảng cáo mô tả về phụ nữ. Và đây là cách mà “Bikini Body” bắt đầu.

Bikini Body là gì?

Khái niệm về “Bikini Body” rất đơn giản: “Để mặc bikini và nhận được sự chấp nhận từ cộng đồng, bạn cần có một dáng người theo concept nhất định. Điều này bao gồm: “Eo thon, mông cong, ngực đầy đặn nhưng không quá lớn và chân dài. Những tiêu chuẩn về làn da như phải láng mịn, không có vết rạn, không có lông. Bạn nên mảnh mai nhưng không được quá cơ bắp.” Nói tóm lại, thân hình bạn phải HOÀN HẢO như được photoshop trên các bìa tạp chí thời trang để phù hợp với tiêu chuẩn cái đẹp theo quan điểm xã hội phương Tây.

Sự trỗi dậy của concept “Bikini Body”

Theo The Cut, thuật ngữ “Bikini Body” trở nên phổ biến là vì chuỗi chiến dịch quảng cáo giảm cân vào năm 1961 thực hiện bởi công ty Slenderella. “Niềm vui tuyệt vời của mùa hè là dành cho những ai có ngoại hình trẻ trung.” Một câu thoại trong quảng cáo đã viết. “Vòng ngực săn chắc – Vòng eo bé nhỏ – Đôi chân thon gọn duyên dáng – Một thân hình BIKINI.” Thông điệp đã được cất lên to và rõ ràng: Bạn muốn đẹp hơn trong bộ Bikini? Bạn phải trông thế này chứ không phải thế này!
Bên cạnh đó, Slenderella còn phát động một chiến dịch quảng cáo phương thức giảm cân thu nhỏ vòng eo của mình một cách thụ động. Hình ảnh một người phụ nữ nằm trên bàn đọc tạp chí, lót phía dưới eo của cô là một thiết bị rung với mục đích “loại bỏ mỡ thừa”. Mặc dù đó không chính xác là một hoạt động hiệu quả nhưng đã góp phần tạo nên những quy chụp về hình thể đẹp đối với phụ nữ.
Nối tiếp Slenderella, một công ty chuyên về giảm cân khác Sudden Slenda cũng đã tung ra chiến dịch quảng cáo cách giảm cân của mình bằng phương pháp cuốn người (1963) hay quảng cáo “Máy làm săn cơ thể” của Pretty Body (1970) với cam kết rằng phụ nữ sẽ có một thân hình săn chắc, quyến rũ hơn và chuẩn “Bikini Body”.

Sự phủ sóng của concept “Bikini Body”

Chủ đề này được nhắc đến liên tục trong 6 thập kỷ tiếp theo, trên phim ảnh cũng như quảng cáo. Từ phương tiện truyền thông đến cuộc sống thường ngày, “Bikini Body” đã đồng nghĩa với “Cao và Gầy”. Chỉ cần gõ cụm từ này trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, bạn sẽ hiểu chính xác mình đang muốn nói gì.

Một lần nữa, những bức ảnh với các cô gái trong độ tuổi 20-30 sở hữu thân hình mảnh mai, săn chắc, làn da bóng khỏe, láng mịn. Những hình ảnh này vô hình chung đã bó hẹp lại cái được coi là thân hình chuẩn bikini. Bởi cho dù bạn có dáng người như thế nào đi chăng nữa, các nhãn hàng sẽ luôn gắn mác cho nó: Dáng quả lê, dáng đồng hồ cát, dáng quả táo,… bất kì dáng hình nào họ muốn. Bạn sẽ phải mặc như thế nào cho phù hợp với cơ thể bạn, nhưng phải tạo được cảm giác thon gọn, “chuẩn” hơn.

Tuy nhiên, dù chúng ta có phản đối concept này như thế nào đi chăng nữa, thì phải thừa nhận rằng, ý tưởng này vẫn đang tồn tại như một lẽ thường tình trong cuộc sống của ta.

“Bikini body và Instagram”

Cùng với sự phát triển của Instagram, một nền tảng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, ý niệm về “Bikini Body” ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thứ chúng ta thấy mỗi ngày không chỉ là những người mẫu, diễn viên nữa, mà còn là tất cả mọi người. Từ nhân viên văn phòng, đến các bà mẹ nội trợ, hay sinh viên, ai ai cũng chia sẻ quá trình giảm cân của mình trên mạng xã hội. Các tài khoản Instagram và các thử thách như Bikini Body Challenge, Kayla Itsines’s Bikini Body Guide và Jen Selter’s #JenSelterChallenge đều có hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người theo dõi. Họ nhìn kết quả những người phụ nữ này đạt được và tiền hành mua các sản phẩm giảm cân, các gói tập thể hình được quảng cáo và mong đợi một kết quả tương tự.

Không có gì sai nếu như bạn chỉ đơn giản muốn chụp lại quá trình tập luyện và khuyến khích một lối sống lành mạnh thông qua ăn uống và thể thao. Tuy nhiên, áp lực vô hình tạo ra từ những bức hình “ Before and After” dường như đánh đồng tập thể dục với giảm cân hơn là vì lý do sức khỏe.

Những bài đăng, đôi khi được sử dụng bởi các nhãn hàng, về cách thức để đạt được một “Bikini Body” thường được đăng dưới dạng truyền cảm hứng, với những caption như: “Eat for the body you want. not for the body you have.” (Tạm dịch: Ăn vì một thân hình bạn muốn chứ không phải thân hình bạn có.) Và với nhiều người, điều này có nghĩa là không ăn gì cả.

Một vấn đề khác là những content này, bài tập này lại thường không được điều chỉnh cho hợp với lứa tuổi. Các chuyên gia về dinh dưỡng chia sẻ: “ Những bạn trẻ nhìn thấy hình ảnh quảng cáo về Bikini Body trên Instagram hay Youtube sẽ thường nghĩ mình cần như thế, và rồi các bạn ấy sẽ uống nước ép, ăn kiêng chỉ để đạt được thân hình như vậy.” Và thế là các phương tiện truyền thông ngập tràn ý niệm “Phải gầy mới là thân hình chuẩn Bikini.”

Những định kiến dần được phá vỡ

Đứng giữa khuôn mẫu và tiêu chuẩn hình thể như vậy, hình ảnh những cô người mẫu với thân hình “lệch chuẩn” đã trở thành điểm sáng và tạo nên sự tích cực hơn. Năm 2016, nữ người mẫu Ashley Graham đã trở thành người phụ nữ ngoại cỡ đầu tiên xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Áo tắm hàng năm của Sport Illustrated. Sự việc này đã nhận chỉ trích từ một số người, nhưng lượng người ủng hộ lại có phần đông đảo hơn.

Người mẫu Pháp Yazemeenah Rossi, một người mẫu 60 tuổi, đã đăng tải những bức hình mặc bikini của mình trong chiến dịch The Dreslyn và Land of Women, nhằm chứng minh bạn không cần phải ở tuổi 25 để trông như nữ thần trong bộ đồ bơi.

Jessamyn Stanley, một giáo viên dạy yoga sở hữu tài khoản Instagram với gần 500.000 followers, tự nhận mình là “Cô nàng béo” và luôn khuyến khích việc tập luyện vì sức khỏe bất kể bạn có hình thể như thế nào hay bao nhiêu tuổi. Cô thiết kế các bài tập để nâng cao kỹ năng và sự tự tin vào chính cơ thể mình hơn là sự so sánh “Before and After”.

Truyền thông xã hội cũng vậy, những chiến dịch Body Positivity như: #nofomo, Celebrate You, #MyBodyDoes,… đã đem đến một cộng đồng những người không chỉ tích cực với cơ thể của mình, mà còn khám phá ra cách để giúp người khác tích cực hơn về cơ thể của họ.

“Bikini body” vốn chỉ bắt đầu là một câu slogan cho một chiến dịch quảng cáo, trải qua sự nhào nặn của truyền thông, nó đã trở thành một chuẩn mực trong xã hội. Và dường như chuẩn mực này đã không còn phù hợp nữa. Bạn đi đến bãi biển, chạy nhảy hay bơi lội, bạn có thể mặc bikini hoặc không. Điều này không có liên quan gì đến việc sở hữu một thân đúng chuẩn như truyền thông luôn miêu tả cả.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Bài đăng cùng chủ đề

Please select listing to show.