Không thể phủ nhận một sự thật rằng, các thông tin từ truyền thông có tác động rất lớn đến nhận thức và hành vi của công chúng. Một số nghiên cứu đã chứng minh được rằng, ý thức của một người về thực tế xã hội được định hình phần lớn là từ việc tiếp xúc với các thông tin trên truyền thông đại chúng, còn trải nghiệm thực tế chỉ là nhân tố tác động thứ yếu. Ví dụ như việc thường xuyên đọc, nghe và xem tin tức về tình hình dịch COVID-19 có thể gây nên tâm lý lo lắng, sợ hãi trong công chúng, ngay cả khi họ chưa từng nhiễm bệnh hay vào khu cách ly; ảnh hưởng đến những đánh giá của họ đối với công tác chống dịch của chính phủ, đồng thời tăng cường các biện pháp tự bảo vệ mình trước dịch bệnh.
Đối với những vấn đề xã hội như định kiến giới, truyền thông và báo chí cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tương tự, góp phần tạo ra những định kiến giới mới (như những chuẩn mực cái đẹp của nam và nữ thay đổi liên tục) và khắc sâu thêm những định kiến giới sẵn có. Để nhận xét một cách khách quan, tất cả các giới đều có thể trở thành nạn nhân của những thông tin và ngôn từ có tính bất bình đẳng hiện nay trên một số báo. Tuy nhiên, nữ giới là đối tượng bị nhắm đến thường xuyên nhất, và việc này đã trở nên quá phổ biến tới mức chính nữ giới đôi khi còn không nhận ra họ đang bị phân biệt. Trong bài viết ngày hôm nay, Goodvertisings sẽ trích dẫn một vài ví dụ về những ngôn ngữ đầy định kiến thường thấy nhất đối với nữ giới đã hoặc đang xuất hiện trên các trang báo mạng, trang tin tức và truyền thông.
#1. Khi viết về nữ giới, rất nhiều bài báo thường sử dụng các tiêu đề gắn phụ nữ với yếu tố hình thể, thậm chí đặt trọng tâm vào các yếu tố này thay vì nội dung chính
Chắc hẳn chúng ta đều đã từng bắt gặp những tít báo như “Nữ cơ trưởng xinh như hotgirl”, “Nữ tiếp viên xinh đẹp trắng đêm làm bảo mẫu cho trẻ có bố mẹ là F0”, “Lừa góp vốn, nữ giám đốc xinh đẹp ôm trăm tỷ đồng cao chạy xa bay”, “Nữ nhân viên xinh đẹp thực hiện 30 vụ trộm hàng của công ty”, “Nhan sắc xinh đẹp của nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam”. Một biểu hiện dễ thấy nữa của sự không công bằng, lấy yếu tố thân thể của phụ nữ để câu view chính là những vụ việc phát tán video riêng tư của những người nổi tiếng hay của ngay cả của những người bình thường. Những tựa báo, những bài đăng giật gân trên các trang thông tin và mạng xã hội luôn lấy phụ nữ làm tâm điểm để đưa tin thay vì tập trung vào kẻ phạm tội với những tiêu đề như “bị lộ clip, bị phát tán clip”.
Liệu chúng ta có bao giờ tự hỏi, tại sao không thể đặt trọng tâm vào tài năng của người cơ trưởng, vào hành động đáng ngợi ca của tiếp viên hay chỉ đơn giản đưa tin về vị giám đốc kia mà cứ phải đi kèm với hai chữ “xinh đẹp”? Dường như đối với những bài báo này, yếu tố tài năng hay những việc mà người phụ nữ đã làm chỉ là thứ yếu, không đáng quan tâm, không đáng được đọc nếu bỏ qua các yếu tố ngoại hình.
#2. Tần suất xuất hiện của nữ lãnh đạo trong các bài báo và bản tin thường rất thấp so với nam lãnh đạo
Theo một nghiên cứu về Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ của Oxfam, lãnh đạo là nam giới xuất hiện trong các bài phỏng vấn, bản tin chiếm đa số với 85.7%. Trong khi đó số lãnh đạo nữ chỉ chiếm 14.3%. Cũng theo Oxfam, “sự thiếu vắng hình ảnh lãnh đạo nữ trong tin tức không những là minh chứng cho việc tiếng nói và ý kiến của nữ giới không được thể hiện một cách đầy đủ mà còn gửi một thông điệp ngầm tới công chúng rằng rằng lãnh đạo nữ không có quyền lực, hoặc không có phẩm chất lãnh đạo để xứng đáng đưa vào các bản tin”.
Ngoài ra, những người lãnh đạo nữ cũng thường chỉ được xuất hiện nhiều hơn trong các bài báo và bản tin họ được trích dẫn, tham gia trả lời phỏng vấn hoặc là nhân vật chính đối với những lĩnh vực vốn được coi là phù hợp với nữ giới (female-identified issues) như: Trẻ em/gia đình; Quyền phụ nữ; Y tế; Xoá đói giảm nghèo; hay Người cao tuổi.
#3. Khi viết về nữ lãnh đạo hay những người phụ nữ đạt được một thành tựu nào đó, một số trang báo chí vẫn có xu hướng mô tả họ gắn liền với các vai trò chăm sóc gia đình, con cái, nội trợ
Báo cáo trên của Oxfam cũng đã chỉ ra, truyền thông thường xây dựng hình ảnh những người lãnh đạo là nữ đáng ngợi ca vì họ đã hoàn thành được vai trò “kép” – giỏi việc nước, đảm việc nhà. Những câu hỏi phỏng vấn đầy hàm ý định kiến mà thường chỉ nữ giới mới gặp như “Bận rộn như vậy, thời gian nào chị dành để chăm sóc cho gia đình? Chị làm thế nào để cân bằng giữa hai vai trò người mẹ, người vợ?” vẫn luôn được coi là đương nhiên. Đơn cử như một bài báo về một cặp vợ chồng bác sĩ cùng nhau tham gia vào công tác chống dịch thời gian gần đây. Trong khi người chồng được miêu tả các thông tin trọng tâm vào công việc và các thành tích trong quá trình làm nghề của anh, thì người vợ, bên cạnh những thông tin công việc, bài báo vẫn đề cập đến việc chị “may mắn được lãnh đạo và đồng nghiệp nhiệt tình hỗ trợ” để “vừa chu toàn công tác chuyên môn, công tác Đoàn và cân bằng đời sống” gia đình. Bóng dáng của trách nhiệm kép vẫn luôn đeo bám người phụ nữ. Đó là còn chưa kể đến, cách thức gọi cặp vợ chồng vẫn là vợ chồng bác sĩ A (A là tên người chồng), một cách gọi quen thuộc, thể hiện sự ghi nhận địa vị lớn hơn của người chồng dù cả hai vợ chồng đều là bác sĩ và đều tham gia công tác chống dịch. Có thể nhiều người cho đây là cách gọi phổ biến, nhưng trên thực tế, cách đưa tin làm “mờ” đi vai trò của người phụ nữ như vậy không cần thiết, và vẫn có những bài báo nêu đầy đủ tên của cả hai vợ chồng cũng như các thành tựu của họ, không hề rút gọn xuống chỉ bằng tên người chồng. Tiêu biểu như bài báo về cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập BioNTech.
Trong bài báo “Tổng hợp về phân biệt giới tính nước đôi: Khác biệt giữa kiểu thù địch và nhân từ” [1], 2 nhà tâm lý học Peter Glick và Susan Fiske nhận định rằng, những lời khen có cánh của đàn ông dành cho phụ nữ như điềm tĩnh, ấm áp, chu đáo, dịu dàng có thể được coi như một dạng phân biệt giới tính kiểu nhân từ. Những lời khen như vậy tưởng chừng như nâng người phụ nữ lên, nhưng thực chất chúng chỉ ‘tình cờ’ khiến cho cho hình ảnh người phụ nữ trở nên cực kỳ phù hợp với vai trò nội trợ, vai trò hậu phương một cách vô cùng tự nhiên.
—
[1] Trích dẫn từ sách “Ơn giời, de Beauvoir trả lời: Lời khuyên từ những nhà nữ quyền hàng đầu”, Freya Rose, Tabi Jackson Gee, trang 42 – 48