CÁC LỖI CẦN TRÁNH KHI TRUYỀN THÔNG VỀ CỘNG ĐỒNG LGBT+

Share

Truyền thông đã có tác động vô cùng đáng kể tới việc thay đổi một phần nhận thức, thái độ và hành vi tới cộng đồng LGBT+. Tại hội thảo “Xu hướng tình dục – Vẻ đẹp của sự đa dạng” do CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và vị thành niên) cùng Nhóm Kết nối và Chia sẻ Thông tin ICS phối hợp với UN Women (Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) tổ chức vào năm 2012, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc của CSAGA khẳng định: “Truyền thông có vị trí rất quan trọng trong việc tuyên truyền và giúp đỡ mọi người hiểu rõ hơn về LGBT+”.

Chúng ta đã và đang tạo nên những bước tiến quan trọng trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới cũng như chống lại kỳ thị giới. Cộng đồng LGBT+ đã được chào đón ở phần lớn địa cầu, và đã có những sự kiện riêng để vinh danh họ (tháng 6 hàng năm là khoảng thời gian rực rỡ nhất với chuỗi ngày Tháng Tự hào – PRIDE month, IDAHOT day – ngày Quốc tế chống kỳ thị đồng tính và chuyển đổi giới rơi vào 17/05 vừa rồi, lễ trao giải GLAAD tôn vinh những nỗ lực của truyền thông và nghệ thuật trong việc truyền tải chính xác và đầy đủ đặc trưng, nhận dạng và cả những vấn đề xoay quanh cộng đồng LGBT+)

Tuy nhiên, ở những mảng “nhạt màu” hơn trên Trái Đất, cộng đồng LGBT+ vẫn đang ngày ngày đấu tranh để đạt được mục đích cao cả và đầy nhân văn: được chấp thuận, trước tiên là về mặt pháp luật, sau đó là xã hội. Làn sóng cởi mở toàn cầu với LGBT+ cũng mới chỉ gần chạm đến bờ tại Việt Nam, và chưa đủ mạnh mẽ để đánh bay những nghi kỵ, định kiến còn đó.

Không thể phủ nhận quá trình phổ biến thông tin về cộng đồng LGBT+ mới chỉ du nhập vào Việt Nam hơn mười năm nay mà đã tạo được những bước tiến đáng kể. Nhưng quá trình này sẽ diễn ra hiệu quả, nhanh chóng và triệt để hơn nếu người làm truyền thông có thể khắc phục được những hiểu lầm thường gặp về LGBT+. Cùng Goodvertisings làm rõ hơn các lỗi thường thấy trong truyền thông và quảng cáo cho LGBT+ nhé!

THÔNG TIN VỀ CỘNG ĐỒNG LGBT+ THIẾU TÍNH KHÁCH QUAN, TRỌN VẸN

Trong nghiên cứu “Thông điệp truyền thông về Đồng tính luyến ái trên báo in và báo mạng” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) biên soạn năm 2011, các dữ liệu phân tích được cho thấy việc truyền thông và nghiên cứu cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam còn đang thiếu đa dạng về gần như mọi mặt, và tình trạng này vẫn chưa có thay đổi đáng kể.

Phần lớn các bài đăng trên báo đài và mạng xã hội đề cập đến LGBT+ ở thành thị nhiều hơn nông thôn, ở nam giới nhiều hơn nữ giới, ở thanh niên nhiều hơn các độ tuổi khác, ở những câu chuyện liên quan đến 3 chữ cái G (Gay – người đồng tính nam), L (Lesbian – người đồng tính nữ) và B (Bisexual – người song tính) nhiều hơn hẳn những cộng đồng khác, và ở những lĩnh vực nghệ thuật, giải trí nhiều hơn các lĩnh vực ngành nghề khác…

Điều đó dẫn đến rất nhiều định kiến cho rằng: LGBT+ là kết quả của xu hướng đô thị hóa và toàn cầu hóa một cách không chọn lọc; LGBT+ chỉ tập trung trong lĩnh vực nghệ thuật; và nhiều rập khuôn không lành mạnh khác về họ.Không chỉ vậy, sự hiện diện hiếm thấy của LGBT+ trong các cơ quan báo đài hay cơ quan nhà nước còn khiến cho các bài đăng về LGBT+ được triển khai kém sâu sắc và chính xác, thậm chí có hơi hướng phân biệt đối xử, cho rằng họ có bản năng tình dục khó chấp nhận.

Một quảng cáo, muốn đem hết và đầy đủ nhất những cá nhân, thông tin trên sẽ rất khó để thực hiện. Nhưng Bretton, một thương hiệu quần áo của Ý vốn được biết đến với những quảng cáo độc đáo, đã tạo nên một cơn chấn động khi sản xuất một chiến dịch quảng cáo vô cùng táo bạo. Mang tên “United Colors”, quảng cáo khắc họa hình ảnh phụ nữ thuộc LGBT+, những vấn đề sức khỏe và cả sự đa sắc tộc… trong thời kỳ 1989-1991, thời điểm mà những vấn đề như trên chưa hề được chào đón. Dẫu bị chỉ trích vào thời gian đầu, quảng cáo về sau lại trở thành khuôn mẫu trong việc bảo đảm tính toàn vẹn khi thông tin về LGBT

THIẾU KIẾN THỨC KHI TUYÊN TRUYỀN, SỬ DỤNG CÁC THUẬT NGỮ KHÔNG PHÙ HỢP

“Bản dạng giới”, “Thể hiện giới”, “Xu hướng tính dục”, “Giới tính sinh học”, “Xu hướng tình cảm”,… là những khái niệm nền tảng mà ngay cả các cá nhân thuộc cộng đồng LGBT+ cũng phải trải qua quá trình khám phá rất lâu mới có thể xác định đúng danh tính của họ. Nhưng, vẫn tồn tại tình trạng các kênh truyền thông cũng như những KOLs, những người có tiếng nói lại không những không nắm được chính xác mà còn tuyên truyền những thuật ngữ gây chệch hướng.

Năm 2020 là một năm đầy biến động của Hương Giang nói riêng và chương trình “Người ấy là ai?” nói chung. Hương Giang trước đó đã đem đến ít nhiều những ảnh hưởng tích cực tới cách nhìn nhận của xã hội về cộng đồng LGBT+. Tuy nhiên, những động thái thể hiện sự thiếu kiến thức, thiếu cập nhật về chính cộng đồng của mình đã nhanh chóng cản trở Hương Giang trong việc lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của bản thân và cộng đồng.Những khuôn mẫu mà cả Hương Giang lẫn chương trình “Người ấy là ai?” đặt lên không hề có lợi cho cộng đồng LGBT+.

Từ một chương trình mà thời gian đầu đem đến những câu chuyện cảm động, tạo cái nhìn thiện cảm với cộng đồng LGBT+ với những nhân vật văn minh, thân thiện, luôn biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh mà về sau đã dần đi vào lối mòn, các nhà sản xuất dần đi chệch ra khỏi mục đích ban đầu, sa đà vào việc khai thác các yếu tố câu view như chuyện “phòng the” hay “ngoại tình”, những câu chuyện đầy drama…Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ca sĩ Lâm Khánh Chi cho biết: “Thời đại ngày nay, chuyện các bạn trẻ ở tuổi dậy thì vô tình xem được những câu chuyện, những cảnh nhạy cảm trong các gameshow về cộng đồng LGBT+ là việc bình thường bởi được cha mẹ cho tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ rất sớm. Vì thế, nhà sản xuất cần lựa chọn khách mời có thể đưa ra kiến thức, thông tin đúng để giúp người xem – nhất là các bạn trẻ – hiểu đúng về cộng đồng LGBT+”.

KHẮC HOẠ CHÂN DUNG KHÔNG LÀNH MẠNH VỀ CỘNG ĐỒNG LGBT+

Những định kiến như: Người song tính là những người lăng nhăng; LGBT+ là cộng đồng có lối sống tình dục hiểm họa, không bền vững; nhân cách của họ phần nhiều có vấn đề;… là hậu quả của việc truyền thông không đúng cách và quá tập trung vào đời sống tình dục của cộng đồng.

Một báo cáo mới đây của GLAAD về đo lường mức an toàn của các trang mạng xã hội đối với người dùng thuộc LGBT+ đã nhận thấy phải có sự chỉnh sửa trong công thức đánh giá vì theo như chỉ số ban đầu, cả 5 trang mạng xã hội lớn nhất, bao gồm Facebook, Instagram, Twitter, TiKToK và Youtube đều không đạt mức an toàn tiêu chuẩn cho cộng đồng LGBT+ (trong đó vấn đề cốt lõi là tồn đọng nhiều sự thù ghét, hăm dọa mà hầu hết chưa có sự kiểm duyệt ngăn chặn kỹ càng).

Điều này khiến cho cộng đồng LGBT+ phần đông vẫn “closeted”, tức là không đủ dũng khí để thể hiện bản thân và cũng không được tạo điều kiện để sống chan hòa một cách đúng nghĩa. Truyền thông, ngoài việc giữ quan điểm trung lập, bình đẳng trong mọi giới thì cũng cần chống lại những ghét bỏ, kỳ thị hướng tới cộng đồng LGBT+.

Chúng ta còn nhớ vụ việc bệnh nhân COVID là nam tiếp viên hàng không bị xử phạt do làm lây lan virus tới cộng đồng, nhưng một bộ phận không nhỏ cư dân mạng lại nhắm vào giới tính của anh để chửi bới, miệt thị nặng nề. Sự ghét bỏ vẫn luôn âm ỉ trong lòng nhiều người, và sẽ thật tắc trách nếu truyền thông chỉ tập trung vào những yếu tố giới để điều hướng dư luận.

“ANH HÙNG” / “NGƯỜI TIÊN PHONG” CỦA CỘNG ĐỒNG LGBT+ SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Theo Goodvertisings, “anh hùng” ở đây không nhất thiết phải là một người to lớn hay cụ thể. Bất kỳ cá nhân, tổ chức, cộng đồng hay sản phẩm truyền thông đều có thể trở thành “anh hùng” của cộng động LGBT+ khi biết rút kinh nghiệm từ những bài học trước đây và thực sự tạo nên một chân dung tốt đẹp, hài hòa hơn cho cộng đồng LGBT+.

Sau thành tích vang dội tại đấu trường Miss Universe, Nguyễn Trần Khánh Vân quay trở lại cuộc sống đời thường, nhưng cô biết rằng bây giờ mình đã có nhiều tiếng nói hơn. Trưởng thành với nhiều người anh chị em, bạn bè thân thiết đến từ LGBT+, có mặt trong nhiều chiến dịch hỗ trợ cộng đồng LGBT+ (bộ ảnh đậm màu văn hóa Drag với những nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng LGBT+ khác như Lynk Lee, BB Trần, Hải Triều… và mới đây nhất là chiếc váy lộng lẫy nhằm lan tỏa thông điệp cho ngày IDAHOT…), Khánh Vân đã xây dựng hình ảnh một người đồng minh vững chắc, chân thành. Ảnh hưởng tích cực Khánh Vân đem đến cho cộng đồng LGBT+ là không thể phủ nhận.

Hành trang của một người “anh hùng” sẽ phải bao gồm:

  • Kiến thức và trải nghiệm đủ sâu sắc.
  • Tư tưởng cởi mở, không phân biệt, vẹn toàn cộng đồng và đồng minh.
  • Lòng đồng cảm với những khó khăn, bất cập của cộng đồng LGBT+.
  • Dũng cảm, sẵn sàng đấu tranh ….

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Bài đăng cùng chủ đề

Please select listing to show.