MV “Mẩy thật mẩy” và những phản ứng trái chiều
2.2 triệu lượt xem chỉ sau 1 tuần, chưa kể những lượt xem “không chính thức” khi được replay lại, 3.1k bình luận, 62k lượt like. Điều gì khiến MV “Mẩy thật mẩy” nhận được nhiều sự quan tâm như vậy sau thời gian dài Big Daddy vắng bóng trên thị trường âm nhạc? Giai điệu bắt tai? Hay sự “táo bạo” trong cách diễn đạt ý tưởng của nghệ sĩ và ekip? Cả về ngôn từ và hình ảnh?
Tại sao MV vẫn trở nên phổ biến khi những bộ phận trên cơ thể “em” được ví với “bộ loa”, hoàn toàn có thể được “nâng cấp”, “trùng tu”, “tân trang” như một món đồ, để có thể trở nên “ngon đét”, “căng đét” hay “nở nở nang nang”. Để rồi tất cả những gì người đàn ông làm là “lột đồ”, “húp trọn” hay “chảy dãi”?
Tại sao MV lại có sức lan tỏa đến vậy khi các khung hình nếu không phải Big Daddy xuất hiện cùng với những vật thể có tính ẩn dụ như xe moto, đào, dâu, dưa hấu, thạch, bóng, loa… thì sẽ là những góc máy chĩa vào các bộ phận trên thân hình dancer cùng với những tư thế, động tác có phần “gợi dục”?
Với cách triển khai như vậy, không khó đoán khi MV nhận được những phản ứng trái chiều từ khán giả. Khán giả K.L bình luận: “Là cổ vũ mọi người đi độn mông nâng ngực chạy theo trend, chạy theo nhu cầu của đàn ông hả?”, khán giả N.Đ.M.K nhận xét: “Lyrics sáo rỗng, cổ súy phụ nữ đi làm đẹp nhân tạo một cách quá đà? Với lại từ bao giờ cứ phải rap là sexy và dùng những hình ảnh nhạy cảm là thu hút nhờ”.
“Vật hóa phụ nữ” trên truyền thông và các tác động của nó
Một bộ phận khán giả đã nhận ra sự xuất hiện của những từ ngữ vốn không hợp để dùng cho một người phụ nữ. Những từ ngữ và cách thể hiện hình ảnh trong MV gợi nhắc về khái niệm “vật hóa phụ nữ” – một ý niệm phổ biến trong các lý thuyết nữ quyền vốn đã được chỉ ra và phân tích từ những năm 1970. Lý thuyết “vật hóa” cho rằng phụ nữ bị coi như đồ vật và được người khác sử dụng. Điều này xảy ra trên các sản phẩm truyền thông khi cơ thể (hoặc một vài bộ phận trên cơ thể) của phụ nữ bị xem xét một cách riêng lẻ, bị phóng đại, méo mó nhằm thỏa mãn ham muốn tình dục của khán giả được cho là nam giới (Bartky, 1990). Bằng một cách nào đó mà nền công nghiệp giải trí đã và đang biến “vật hóa phụ nữ” trở thành một việc hết sức bình thường và có thể chấp nhận. Nhân vật Harley Quinn nổi tiếng toàn cầu nhưng trong “Biệt đội cảm tử”, cô xuất hiện không hơn không kém một vật thể tượng trưng cho sự thèm muốn khi xuyên suốt bộ phim tập trung vào nét bốc lửa của nhân vật này và tình yêu điên dại dành cho Joker, hoàn toàn phụ thuộc vào hắn. Hay trực tiếp liên quan đến âm nhạc, không khó để lấy ví dụ một vài MV từ đầu đến cuối tập trung vào đường nét thân thể của phụ nữ hơn bất kỳ giá trị nào khác nhưng lại có lượt xem khổng lồ trên Youtube như “Anaconda” của Nicki Minaj (1 tỷ lượt xem), “Wap” của Cardi B và Megan Thee Stallion (394 triệu lượt xem)…
Việc “vật hóa phụ nữ” thực sự đã và đang diễn ra phổ biến trong các sản phẩm truyền thông. Nhưng liệu hiệu quả truyền thông của nó có lớn đến mức những người làm truyền thông sẵn sàng bình thường hóa việc coi phụ nữ giống như một vật thể hay không?
Rõ ràng là dù có được (hay có nên được) chấp nhận hay không thì “vật hóa phụ nữ” trên truyền thông vẫn sẽ có những tác động nhất định đến xã hội. Đôi khi đó là nguồn gốc hình thành cho đàn ông tư tưởng rằng “phụ nữ là để “tiêu thụ”, để cho sự giải trí của quần chúng, để nam giới “húp trọn” như một món đồ ăn. Không chỉ vậy, chính phụ nữ cũng có thể bị ảnh hưởng, thậm chí ám ảnh về một cơ thể phải đẹp, phải hoàn hảo theo chuẩn mực của số đông và được đàn ông thèm khát.
Trở lại với “Mẩy thật mẩy”, BigDaddy lên tiếng sau những tranh cãi, rằng anh muốn lan tỏa thông điệp ủng hộ phụ nữ làm đẹp, vì “Chúng tôi, những người đàn ông, luôn luôn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ”. Nhưng liệu MV này có đang tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, ủng hộ họ quan tâm đến bản thân hay đang củng cố quan điểm rằng phụ nữ sửa sang, “độ loa”, tắm trắng, tiêm filler chỉ để thỏa mãn cái ý muốn “chiêm-ngưỡng-vẻ-đẹp” của người khác, trong đó phần lớn là đàn ông chứ không phải vì chính họ?