DUNG DỊCH VỆ SINH NAM – “VÙNG CẤM” TRONG QUẢNG CÁO?

Share

Dung dịch vệ sinh vùng kín có lẽ là một sản phẩm không mới với người tiêu dùng, đặc biệt đối với người tiêu dùng nữ. Tuy vậy, đã bao giờ chúng ta tự hỏi, rõ ràng vùng “kín” thì ai cũng có, nhưng tại sao cứ nhắc đến các sản phẩm vệ sinh vùng “kín” là nhắc đến phụ nữ?

Hiện nay, thị trường sản phẩm dung dịch vệ sinh đều đã có những sản phẩm dành cho cả hai giới, tuy nhiên, gần như không có sự hiện diện của các quảng cáo dung dịch vệ sinh dành cho nam. Trong khi đó, quảng cáo dung dịch vệ sinh phụ nữ lại được sản xuất một cách bài bản, phát sóng rộng rãi và khá phổ biến trên các các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngược lại, thông tin về các sản phẩm dung dịch vệ sinh nam gần như chỉ được biết đến qua phương thức truyền miệng. Thậm chí ngay cả việc nam giới có thể sử dụng, và cũng nên sử dụng dung dịch chuyên biệt cho vùng da nhạy cảm hơn này có lẽ cũng là một khái niệm hoàn toàn mới đối với nhiều người.

Phải chăng, chuyện chăm sóc vùng nhạy cảm từ lâu đã được gán thành một điều bắt buộc mà nữ giới luôn phải để tâm để trở nên “tự tin” hơn? Những quảng cáo đã khắc sâu điều này và hệ quả của việc đó đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe vùng “kín” đối với cả hai giới như thế nào?

Quảng cáo các sản phẩm vệ sinh cho nữ giới vô tình khắc sâu những định kiến về cơ thể phụ nữ

Một trong những định kiến phổ biến về cơ thể người phụ nữ đó là khi nữ giới bước vào kỳ kinh nguyệt, cơ thể của họ lúc đó sẽ ở trạng thái không sạch sẽ, gắn liền với điều gì đó “dơ bẩn”, phải che giấu. Những định kiến này vẫn còn hiện hữu rất nhiều trong đời sống hàng ngày, khi ở một số nơi, phụ nữ vẫn được dạy rằng không nên vào chùa, vào những nơi linh thiêng nếu đang trong kỳ kinh nguyệt vì lúc đó cơ thể không “sạch”.

Nỗi lo lắng về sự “sạch” đó ở nữ giới, không chỉ riêng trong kỳ kinh nguyệt, đã được các nhãn hàng sản phẩm vệ sinh khai thác khá hiệu quả với nhiều quảng cáo sử dụng những câu từ đánh vào nỗi lo lắng về vi khuẩn, có “mùi”, từ đó “chưa đủ tự tin”. Trên thực tế, vùng âm đạo của phụ nữ đều có mùi nhẹ tự nhiên và điều đó là hoàn toàn bình thường, không đồng nghĩa với việc cơ thể không “sạch”.

Một nghiên cứu về các quảng cáo sản phẩm vệ sinh cho nữ đã kết luận rằng các quảng cáo này hầu hết đều khiến phản ánh cái nhìn tiêu cực của xã hội về kinh nguyệt và làm tăng cảm giác lo âu, bất an của nữ giới về cơ thể mình.

Vậy còn nam giới thì sao?

Những quảng cáo này, một mặt giải quyết những vấn đề cụ thể về vệ sinh, một mặt hướng đến thông điệp: làm thế nào để trở thành một người phụ nữ đúng chuẩn [1] – “sạch sẽ”, “tự tin”, “Đoán gu của chàng – bằng hương của nàng” (website dung dịch vệ sinh phụ nữ D.H). Nam giới thường ít khi phải chịu những áp lực từ những quan niệm như vậy, vì thế họ không nhận ra, không cho rằng những vấn đề như chăm sóc vùng kín là việc hoàn toàn bình thường mà cả nam và nữ đều có thể làm, và đều nên làm để duy trì cơ thể vệ sinh và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, chính vì việc chăm sóc vùng “nhạy cảm” này luôn bị cho là có tính “nữ”, cộng với những quan niệm như “đàn ông xuề xòa, qua loa, cần gì những đồ như vậy”, “đàn ông chỉ cần xà phòng rửa mặt tắm gội các thứ luôn cần gì lắm đồ linh tinh như phụ nữ” đã khiến cho rất nhiều nam giới trở nên “ngại ngùng” trong việc tìm hiểu thông tin về các sản phẩm này, ngay cả khi họ thực sự có nhu cầu.

Và có lẽ, cũng chính vì định kiến cho rằng việc chăm sóc vùng “kín” là một điều gì đó thừa, không nam tính đối với đàn ông đã khiến cho các nhãn hàng dung dịch vệ sinh nam không có nhiều “đất” để tiếp cận khách hàng thông qua quảng cáo công khai như dòng sản phẩm cho nữ.

Các nhãn hàng có thể làm gì?

Việc chăm sóc sức khỏe vùng kín cần thiết cho cả hai giới và các thông tin dành cho nam cũng nên được truyền thông nhiều, đa dạng và dễ tiếp cận như nữ giới. Vấn đề các sản phẩm vệ sinh và sức khỏe sinh sản nam giới nên được tiếp cận một cách trực diện, thay vì coi những kiến thức giới tính cần thiết như vậy là một điều phải ngại ngùng khi nhắc đến. Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều các tài khoản mạng xã hội chia sẻ kiến thức tình dục an toàn được lập ra, nơi người dùng có thể thoải mái đặt các câu hỏi mà ít lo lắng về danh tính của mình. Trên những tài khoản đó, không khó để thấy được những vấn đề như vệ sinh vùng kín vẫn nhận được khá nhiều sự quan tâm từ cả nam và nữ.

Bạn có nghĩ rằng, một nhãn hàng tiên phong quảng bá rộng rãi và công khai sản phẩm này cho nam giới có thể tạo ra bước ngoặt?

Tài liệu tham khảo:

[1] Luke, Haida. “The gendered discourses of menstruation.” Social Alternatives 16.1 (1997): 28-30.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Bài đăng cùng chủ đề

Please select listing to show.