DADVERTISING – KHI CÁC ÔNG BỐ CŨNG CẦN ĐƯỢC “CHÚ Ý” (P1)

Share

Hãy nhìn vào hoạt động tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ xung quanh bạn, và bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy nhiều thương hiệu lớn chủ yếu là được giới thiệu cho các bà mẹ. Những cụm từ như Mom-tested (Đã được kiểm chứng bởi mẹ), Mom-choices (Sự lựa chọn của mẹ),… xuất hiện thường xuyên trên các chiến dịch quảng cáo sản phẩm chăm sóc gia đình. Hình ảnh bà mẹ gắn liền với chuyện chăm sóc gia đình trong mọi quảng cáo như bỉm, sữa, thực phẩm,…vô hình chung đã tạo nên những định kiến, gánh nặng cho phụ nữ. Rằng, việc của phụ nữ là 24/7 tại gia đình, nấu cơm, dọn dẹp, chăm lo cho tất cả mọi người. Vậy còn người bố sẽ thường xuất hiện trên quảng cáo như thế nào?

Có lẽ những hình ảnh như ngồi cùng con trên bàn ăn, khen những món ăn vợ nấu, tụ tập với bạn bè bên cốc bia,… sẽ ngay lập tức xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta. Đây là những định kiến luôn tồn tại đối với những người đàn ông: Họ là những người vụng về, cẩu thả, và là trụ cột kiếm tiền cho gia đình. Tuy nhiên, những điều này có vẻ như không còn đúng với thế hệ những ông bố millennials nữa. Họ đang dần tham gia tích cực hơn vào công việc chăm sóc gia đình cùng bạn đời của mình và đang trở thành đối tượng quyết định hành vi mua hàng. Nhận ra sự thay đổi này, một vài nhãn hàng đã lập tức đẩy mạnh các chiến dịch “Dadvertising” của mình nhằm đánh vào nhóm khách hàng tiềm năng là các ông bố.

“DADVERTISING” LÀ GÌ?

“Dadvertising” là quảng cáo làm nổi bật hình ảnh người bố với năng lượng tích cực và thường là những quảng cáo thân thiện, giàu cảm xúc dành cho gia đình. Chủ yếu những quảng cáo “Dadvertising” sẽ tập trung vào thế hệ các ông bố millennials. Mặc dù bạn có thể không quen với thuật ngữ tiếp thị này, nhưng rất có thể bạn đã tiếp xúc với một số hình thức thể hiện của nó nếu bạn thường xem truyền hình hay lướt mạng xã hội. Nhiều người có thể nghĩ rằng đây không phải là một khái niệm mới bởi vì các ông bố đã xuất hiện trong quảng cáo khá lâu rồi. Tuy nhiên, để quảng cáo đó được gọi là “Dadvertising” thì hình ảnh của người cha đó cần xuất hiện trong một mối quan hệ thân thiết, gắn bó với gia đình của họ. Nói cách khác, người bố sẽ được mô tả với những hoạt động như chăm sóc con cái, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa,… và những công việc khác mà vốn được gắn mác là “VIỆC CỦA MẸ”

TẠI SAO CÁC NHÃN HÀNG NÊN DÀNH CHO CÁC ÔNG BỐ SỰ QUAN TÂM?

Có một sự thật mà ít ai để ý, đó là người lớn tuổi nhất trong thế hệ Millennials đã bắt đầu bước sang độ tuổi 40 và hầu hết họ đã lập gia đình. Khi thế hệ Millennials của cả hai giới đều đang nỗ lực hơn cho sự bình đẳng, họ nhanh chóng thiết lập các chuẩn mực xã hội mới và làm mờ đi vai trò giới có phần lạc hậu. Những ông bố trẻ ngày nay đang tiếp cận vai trò làm cha, mẹ khác với các thế hệ trước đây. Họ tham gia nhiều hơn và muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong cuộc sống của con cái họ. Họ đang đảm nhận nhiều công việc nuôi dạy con cái và công việc gia đình hơn và khẳng định mình là một thành viên quan trọng – và đầy đủ năng lực – của gia đình, người không chỉ mang thịt về nhà mà còn nấu nướng và dọn dẹp sau đó. Cũng giống như mẹ, họ đang rửa bát, đóng bỉm, giặt giũ và đưa đón con đi chơi và tham gia các hoạt động khác cùng con.

Theo khảo sát của MDG Advertising, phần lớn các ông bố (74%) cảm thấy quảng cáo, đặc biệt là các sản phẩm cho trẻ nhỏ, đang chưa thể hiện đủ vai trò của họ, ít nhất là vai trò của các ông bố trẻ. Và 38% nói rằng họ thấy không hài lòng về cách các nhà làm quảng cáo thể hiện tình phụ tử.Làm cha là công việc quan trọng nhất đối với 75% các ông bố, trong khi 94% cho biết đó là một phần cực kỳ hoặc rất quan trọng trong việc xác định danh tính của họ. Và họ tham gia nhiều hơn những người bố của các thế hệ trước. Giờ đây, họ dành 7 giờ mỗi tuần cho việc chăm sóc con cái so với 2,5 giờ vào năm 1965. Có thể con số này vẫn chưa là gì so với thời gian người mẹ dành cho con, nhưng nó cũng đã thể hiện sự nỗ lực của người đàn ông trong việc chia sẻ gánh nặng chăm lo gia đình với bạn đời của mình.

Việc cân bằng giữa công việc bên ngoài và việc nội trợ đang trở thành điều quan trọng với nam giới. Nhiều người đang ưu tiên sự linh hoạt của công việc hơn là sự thăng tiến. Khi người chồng chia sẻ việc nhà với bạn đời của mình đồng nghĩa với việc anh ấy sẽ chi tiêu nhiều hơn, 80% các ông bố nói rằng việc mua sắm nhu yếu phẩm trong gia đình là nhiệm vụ của họ. Các ông bố chi trung bình 173 đô la mỗi lần đến cửa hàng tạp hóa so với các bà mẹ là 149 đô la. Hơn nữa, khi nói về hành vi mua hàng, các ông bố nói rằng kể từ khi có con họ đã thay đổi thói quen mua sắm của mình. Cụ thể, 44% cho biết họ đã thay đổi các nhãn hiệu thực phẩm, đồ uống,… 42% nói rằng họ đã thay đổi các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, 36% đã thay đổi các sản phẩm chăm sóc cá nhân,… Chủ yếu những sản phẩm thay thế sẽ là những thương hiệu thân thiện và an toàn với trẻ nhỏ.

Tóm lại

Người đàn ông cũng đang cố gắng để thay đổi vai trò của mình trong gia đình. Họ đang chứng minh rằng mọi khuôn mẫu nói họ vụng về, không thể làm nội trợ đã không còn đúng với thời đại. Chính vì vậy, các nhãn hàng nên nắm lấy cơ hội này và tích cực hơn với các chiến dịch “Dadvertising”. Các ông bố cũng là một nhóm khách hàng cực kỳ tiềm năng cho các nhãn hàng, đặc biệt là các thương hiệu sản phẩm gia đình. Việc dành cho các ông bố sự quan tâm hơn không chỉ khiến họ bớt cảm thấy mình bị gạt ra khỏi các hoạt động với con cái, mà còn phá vỡ những định kiến về việc chăm lo cho gia đình chỉ là nhiệm vụ của phụ nữ. Tất nhiên, trong một xã hội mà tất cả mọi người đều dám nói lên tiếng nói của mình, thì những hành động rập khuôn bất kỳ giới tính nào cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ về làn sóng tẩy chay từ dư luận.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Bài đăng cùng chủ đề

Please select listing to show.