Việc bắt đầu một chiến dịch quảng cáo có thể được ví như việc đang ném phi tiêu vào trong màn đêm vậy. Cho dù nhãn hàng có chuẩn bị chiến dịch kỹ thế nào đi chăng nữa, thì cũng khó lường trước được tất cả các phản ứng từ phía công chúng. Harris Interactive, một công ty nghiên cứu thị trường ở New York, đã thực hiện một cuộc thăm dò để tìm hiểu xem quảng cáo thiếu nhạy cảm về văn hóa, giới,… có thể gây tổn hại đến một thương hiệu như thế nào. Kết quả là – 35% người tiêu dùng sẽ không mua sản phẩm từ công ty đó nữa.Hãy cũng Goodvertising điểm qua Top 4 những quảng cáo thiếu nhạy cảm giới gây tranh cãi (có thể bạn chưa biết) sau đây để cùng tìm hiểu xem tại sao khán giả lại phản đối những quảng cáo này nhé.
1: The ELF on the shelf – Poundland
Poundland là thương hiệu chuỗi cửa hàng tạp hóa của Anh, tại đây sản phẩm được bán đồng giá 1 bảng. Vào tháng 12, năm 2017, với mục đích chúc mừng Lễ Giáng Sinh đang đến gần, Poundland đã tung ra một bộ ảnh quảng cáo với nhân vật chính là một chú yêu tinh đồ chơi.
Trong bộ ảnh này, một bức hình mô tả chú yêu tinh đồ chơi đứng trên cô búp bê Barbie và túi trà tại bộ phận nhạy cảm của chú yêu tinh treo ngay trên mặt cô búp bê. Bức hình đã nhanh chóng nhận lại sự chỉ trích dữ dội vì nó sử dụng hình ảnh “teabagging” – một hành vi tình dục bị coi là hạ thấp phụ nữ đối với nhiều người.
Bức hình này ban đầu được đăng tải với mục đích quảng cáo hãng trà túi lọc Twinings, nhưng ngay sau đó, hãng trà đã khiếu nại Poundland vì sử dụng hình ảnh sản phẩm của họ sai quy cách và yêu cầu Poundland gỡ hình ảnh phản cảm này xuống.
Dẫu vậy, điều này cũng không ngăn cản Poundland đăng tải một phiên bản khác của bức hình sau khi đã xóa tên hãng trà.
Tháng 2, năm 2018, Cục Tiêu chuẩn Quảng cáo đã ban hành lệnh cấm quảng cáo này trở lại trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào vì cho rằng chiến dịch này “vô trách nhiệm và có khả năng gây ra hành vi phạm tội nghiêm trọng hoặc lan rộng.”
2: #AreYouBeachBodyReady – Protein World
Protein World là một nhãn hàng chuyên cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ giảm cân. Các chiến dịch quảng cáo của Protein World tập trung phần lớn vào nữ giới, những người đam mê tập gym và đang tìm kiếm những thực phẩm hỗ trợ giảm cân.
Cuối tháng 3 năm 2015, hãng đã phát động một chiến dịch quảng cáo cho bộ sản phẩm mới ra mắt của mình: Bộ sản phẩm Bột Protein Giảm cân.
Thông điệp “Are You Beach Body Ready?” xuất hiện cùng hình ảnh cô người mẫu với hình thể được coi là chuẩn mực của cái đẹp trong xã hội hiện nay. Nhãn hàng đã giải thích rằng họ đang khuyến khích tất cả mọi người tập luyện để có cơ thể khỏe mạnh, cân đối. Nhưng đa phần phụ nữ lại đánh giá quảng nào này mang tư tưởng áp đặt phụ nữ về việc thế nào mới là đẹp.
Xuất hiện ngay bên cạnh dòng slogan là hình ảnh bộ sản phẩm Bột Protein Giảm cân. Như đang gợi ý rằng bạn có thể chưa sẵn sàng cho một cơ thể đi biển đâu, trừ khi bạn bắt đầu giảm cân đi
Sau sự việc này, danh tiếng của Protein World bị ảnh hưởng, có thể nói, nghiêm trọng. Hàng loạt các hoạt động biểu tình, thu thập chữ kỹ yêu cầu gỡ quảng cáo này xuống bởi sự khó chịu nó gây ra. Kết quả hơn 70.000 chữ ký được ghi nhận, hơn 300 đơn khiếu nại được gửi đi.
Thị trưởng của New London, ông Sadiq Khan cũng chia sẻ sau khi ban hành lệnh cấm quảng cáo của Protein World xuất hiện trên các phương tiện công cộng tại New London: “ Không một ai, mỗi khi di chuyển bằng phương tiện công cộng, nên chịu áp lực trước những kỳ vọng phi thực tế về cơ thể của họ. Đây cũng chính là thông điệp mà tôi muốn gửi đến cho những người đang làm quảng cáo ngoài kia.
3: SAVE THE WHALES – PETA
Tổ chức “Đấu tranh vì sự đối xử có đạo đức với động vật” (People for the Ethical Treatment of Animal – PETA) là một tổ chức được cho là đại diện cho quyền lợi và việc đối xử nhân đạo đối với các loài động vật. Các quảng cáo của họ được thực hiện với mục đích mong muốn mọi người hãy ăn chay, bảo vệ động vật. Tuy nhiên cách thức tổ chức này thực hiện lại tạo hình ảnh không mấy tốt đẹp trong lòng công chúng.Tháng 8 năm 2009, một tấm biển quảng cáo được treo lên ở Jacksonville, Mỹ đã nhận về vô vàn chỉ trích từ cộng đồng.
Tấm biển với thông điệp SAVE THE WHALES – LOSE THE BLUBBER – GO VEGETARIAN (Tạm dịch: Cứu lấy đàn cá voi – Loại bỏ mỡ thừa – Hãy ăn chay). Bên cạnh dòng thông điệp là hình ảnh của một người phụ nữ với thân hình đầy đặn đang mặc bikini.
Quảng cáo này nhắm trực tiếp đến những người phụ nữ đang vật lộn trong việc giảm cân và nói rằng: Nếu bạn muốn sở hữu thân hình nóng bỏng cho bãi biển hãy ăn chay và giảm cân. Hãy nhớ rằng, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những ăn chay thường nhẹ hơn 10-12 pounds so với những người ăn thịt.
Quảng cáo này đã bị cáo buộc là fat-shaming phụ nữ, khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu về những quy chuẩn thế nào mới là thể hình đẹp được chấp nhận trên bãi biển. Nhiều người đã chia sẻ rằng họ cảm thấy xấu hổ, tự ti về bản thân mình khi nhìn thấy biển quảng cáo này, bởi họ đã rất cố gắng để chấp nhận cơ thể mình sau một khoảng thời gian chật vật với chế độ ăn kiêng.
Chỉ ngay sau đó khoảng 1 tuần, người sáng lập PETA – Ingrid Newkirk đã tuyên bố quảng cáo này sẽ bị gỡ xuống và thay thế bởi quảng cáo khác.
4: EQUAL PAY IS NOT ENOUGH – BIANCO FOOTWEAR
Năm 2017, một quảng cáo của hãng giày nữ Bianco Đan Mạch với tên “Equal pay is not enough” (tạm dịch: Trả lương công bằng là chưa đủ). Video quảng cáo diễn tả hình ảnh những nữ nhân viên giận dữ, sử dụng bạo lực với các đồng nghiệp nam của mình, trong khi phần lồng tiếng nói rằng việc trả lương bình đẳng giữa nam và nữ là chưa đủ.
Phía nhãn hàng giải thích ý nghĩa của video là bởi vì việc làm một người phụ nữ vốn đã tốn nhiều tiền hơn một người đàn ông. Phụ nữ phải lo lắng về ngoại hình, trang phục trong khi đàn ông thì không cần. Chính vì thế #WomenNeedMore. Mặc dù đề cập đến sự bất cập lương theo giới, thông điệp này lại bị phản đối bởi chính nữ giới, họ cho rằng nhãn hàng đã miêu tả phụ nữ như những người ưa bạo lực, muốn tăng lương chỉ vì những yếu tố vật chất.
Một khán giả chia sẻ: “Rất nhiều phụ nữ cảm thấy tức giận vì quảng cáo này. Chúng tôi đấu tranh cho bình đẳng trong trả lương không phải chỉ vì một vài đôi giày đẹp. Họ đang lợi dụng nữ quyền để kiếm lời. Thật nực cười!”. Tính đến thời điểm hiện tại, video quảng cáo này đã thu về hơn 500 nghìn lượt xem trên kênh Youtube chính thức của nhãn hàng. Trong đó, có 48 nghìn lượt dislike, gần 8 nghìn lượt bình luận (hơn 80% là bình luận phản đối).
Phản hồi từ phía nhãn hàng, họ từ chối xin lỗi vì đã mô tả phụ nữ một cách bạo lực. Đại diện Bianco giải thích: “Phụ nữ xứng đáng được trả lương nhiều hơn bởi làm phụ nữ vốn đã tiêu tốn nhiều hơn đàn ông. Và tất nhiên, chúng tôi không ủng hộ bạo lực, đó không phải cách để được tăng lương. Suy cho cùng đây là một quảng cáo thời trang và nó chứa đựng yếu tố châm biếm.” Dẫu vậy, lời giải thích từ phía nhãn hàng vẫn không khiến cho công chúng cảm thấy hài lòng. Điều này đã khiến cho hình ảnh của Bianco bị ảnh hưởng là một nhãn hàng chưa đủ chiều sâu trong việc khai thác vấn đề nữ quyền.